Hành trình 5 đời làm thiện nguyện
Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Thanh Phú là điểm tựa sức khỏe cho nhiều bệnh nhân nghèo. Mỗi tuần, phòng khám tổ chức khám, bốc thuốc miễn phí vào thứ tư và chủ nhật, còn các ngày khác (trừ thứ hai và thứ bảy) dành cho vật lý trị liệu. Mỗi ngày, nơi đây đón tiếp từ 60 đến 80 bệnh nhân. Các thầy thuốc đều có chứng chỉ hành nghề, cơ sở được Sở Y tế cấp phép hoạt động vào năm 2014.
Dù mới hoạt động hơn 10 năm, nhưng truyền thống chữa bệnh miễn phí của gia đình Lương y Yến đã kéo dài suốt 5 thế hệ.
Lương y Trần Thị Yến cho biết: “Ngay từ thời bà cố, gia đình tôi đã nổi tiếng với bài thuốc trị đẹn (nấm lưỡi) cho trẻ nhỏ, giúp đỡ nhiều người mà không lấy tiền công. Truyền thống ấy được ông nội tôi, rồi đến cha tôi tiếp nối khi dành dụm tiền xây dựng phòng khám như ngày nay. Từ đó tôi tiếp tục noi theo và phát huy để khám chữa bệnh cho người nghèo và hiện tại con gái tôi tiếp nối truyền thống đó của gia đình để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, vượt qua bệnh tật”.
Lương y Trần Thị Yến, chủ Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Thanh đã dành hơn 50 năm cuộc đời để chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân
Hơn nửa thế kỷ hành nghề, bà Yến đã chữa trị cho không biết bao nhiêu bệnh nhân, có những trường hợp "thập tử nhất sinh" nhưng nhờ đôi tay và tấm lòng của bà, họ lại được hồi sinh. Bà chỉ cần bắt mạch là có thể nhận diện bệnh, hướng dẫn cách phòng và điều trị.
Với bà, Đông y không chỉ chữa bệnh mà còn chú trọng phòng bệnh. “Chú trọng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Mỗi người, hàng ngày nên ăn, uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh để phòng bệnh. Khi có bệnh, cần nhất là tâm lý bình tĩnh, hiểu đó là cơ chế phòng vệ của cơ thể, cơ thể đang nhắc mình điều chỉnh lại lối sinh hoạt cho phù hợp” - Bà Yến khuyên.
Tấm lòng lương y lan tỏa giá trị nhân ái
Bà Nguyễn Thị Hường (71 tuổi, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) xúc động chia sẻ:"Tôi bị tiểu đường, khớp sống, tê tay, tê chân… đi lại rất khó khăn. Nhờ hàng tuần đến đây 2 lần bấm nguyệt với điều trị, sức khỏe tôi đã hồi phục đáng kể. Các thầy thuốc rất tận tình, lại được chữa bệnh miễn phí, cho thuốc uống… tôi thật sự rất mang ơn".
Cũng như bà Hường, ông Ngô Hoàng Dũng quê ở Cà Mau lên xã An Thạnh (huyện Bến Lức) làm công nhân. Thời gian gần đây sức khỏe ông không tốt, đi lại khó khăn nhờ mọi người giới thiệu đến đây chữa bệnh, sức khỏe ông dân hồi phục.
“Những người làm việc ở đây làm rất có tâm, nói chuyện rất nhỏ nhẹ, giúp cho bệnh nhân chữa trị rất tận tình, lại không lấy tiền, cho thuốc uống. Mới chữa trị hơn 2 lần mà sức khỏe tôi hồi phục đáng kể. Những người công nhân như tôi được hỗ trợ thế này rất là cảm ơn” - ông Dũng nói.
Phòng khám Thanh Phú còn có sự chung tay của nhiều lương y, tình nguyện viên từ các nơi đến hỗ trợ. Dù không có lương, họ vẫn hết lòng vì sức khỏe của bệnh nhân
Không chỉ có bà Yến, phòng khám Thanh Phú còn có sự chung tay của nhiều lương y, tình nguyện viên từ các nơi đến hỗ trợ. Dù không có lương, họ vẫn hết lòng vì sức khỏe của bệnh nhân.
Chị Huỳnh Thị Thu Hồng (46 tuổi, Phường 7, Quận 8, TP.HCM) theo bạn đến đây làm từ thiện, thấy Phòng Chẩn trị cần sự hỗ trợ chung tay của nhiều người nên chị đã tham gia.
“Lúc đầu thì mình tham gia những công việc nào được thì mình làm, dần nhìn rồi biết cách học theo giúp cho những người đến đây chữa bệnh. Cứ sắp xếp việc gia đình trong tuần 2 ngày, tôi từ quận 8 chạy xuống đầy, chiều xong tôi trở về. Được giúp mọi người cảm thấy rất vui vì góp một công sức nhỏ cho những người nghèo có điều kiện chữa bệnh” - chị Hồng nói.
Kinh phí hoạt động của phòng khám đến từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, bệnh nhân và thành viên phòng khám. Tuy nhiên, nguồn tiền không ổn định, ảnh hưởng đến việc mua sắm thuốc men và thiết bị y tế. Dù vậy, khi có kinh phí dư, bà Yến và cộng sự vẫn dành phần lớn để làm công tác xã hội như tặng sách vở cho học sinh, phát quà trung thu, hỗ trợ người nghèo và đi mua thêm các loại thuốc để dự trữ cho phòng khám.
Suốt hơn 50 năm, Lương y Trần Thị Yến đã chứng minh rằng tấm lòng nhân ái có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì. Dù không nhận tiền công, bà vẫn tiếp tục sứ mệnh cao đẹp của mình, mang lại sức khỏe và niềm vui cho hàng ngàn bệnh nhân.
Mỗi tuần, phòng khám tổ chức khám, bốc thuốc miễn phí vào thứ tư và chủ nhật, còn các ngày khác (trừ thứ hai và thứ bảy) dành cho vật lý trị liệu
Bà Lê Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phú, huyện Bến Lức cho biết: "Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Thanh Phú hoạt động bằng tiền cá nhân của các lương y hay nguồn tài trợ từ những nhà hảo tâm. Dù gặp không ít khó khăn nhưng những người thầy thuốc tại đây vẫn hết lòng với bệnh nhân, không phân biệt giàu, nghèo hay bệnh nhẹ, nặng. Hoạt động ở đây rất tốt, giúp cho nhiều hộ nghèo, người khó khăn của xã cũng như ở nơi khác đến khám chữa bệnh".
Việt Hằng