TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
VĂN HÓA CỦA VÙNG ĐẤT BẾN LỨC
MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁI QUÁ
Đầu thế kỷ thứ XVII, trên vùng đất hoang vu với tên địa danh Bến Lức bây giờ đã có những nhóm lưu dân đến định cư và sinh sống, với địa thế thuận lợi, dọc 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông từ bao đời đã vung đắp lượng phù sa màu mỡ, thích nghi cho việc trồng lúa nước. Những đoàn di dân dừng chân dọc triền sông có nhiều loại cây Lứt hoang dại thân thảo mọc đầy 2 bờ, bèn đặt tên địa danh là Bến Lứt, nghĩa là cái bến sông có nhiều cây Lứt mọc nhưng do cách phát âm trệch (thông dụng của các vùng đất Nam Bộ) nên đã không phân biệt rõ âm c và t, lâu dần thành quen và với tên gọi Bến Lức như bây giờ. Từ vùng đất hoang vu, đầy rừng hoang, thú dữ và cỏ dại, nhưng với khối óc và đôi bàn tay của những lớp lưu dân đã dần chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nguy hiểm của rừng thiêng, thú dữ, họ đã dừng chân trú ngụ và tiến hành khai khẩn tạo nên cánh đồng lúa trù phú “cò bay thẳng cánh” và trở thành chủ nhân đích thực của vùng đất mới, vùng văn hóa mới. Với đặc trưng vốn có của nền văn hóa gốc nông nghiệp là: nắng nóng mưa nhiều, thiên về trồng lúa nước; ứng xử với môi trường tự nhiên là sống định cư, thái độ tôn trọng và ước mong sống hòa hợp với thiên nhiên; Tư duy nhận thức thiên về tổng hợp và biện chứng trong quan hệ, nặng chủ quan cảm tính và kinh nghiệm; tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc trọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng nữ với cách thức linh hoạt và dân chủ, trọng tập thể, cộng đồng; ứng xử với môi trường xã hội là dung hợp trong tiếp nhận, mềm dẻo, hiếu hòa trong đối phó. Tất cả đã thấm thấu trong từng con người đi mở đất, trong quá trình di dân với nền văn hóa gốc của lưu vực sông Hồng và sông Mã, họ đã có sự giao thoa và tiếp biến với nền văn hóa Sa Huỳnh (miền trung) và Óc Eo (Nam bộ) đã tạo nên đặc trưng riêng của một vùng văn hóa Nam bộ nói chung và Bến Lức nói riêng. Biểu hiện của nó thể hiện đa dạng và đậm nét trong tiến trình hình thành và phát triền của vùng đất và người Bến Lức. Tuy nhiên, điểm xuất phát đều bắt đầu từ cội nguồn của nền văn hóa truyền thống của dân tộc giàu sức sống có từ hàng nghìn năm, đó là những tín ngưỡng, phong tục tập quán, đạo đức truyền thống, nếp sống, vốn văn hóa, tình yêu quê hương đất nước, lòng hướng về cội nguồn, những kinh nghiệm lao động, đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm, tình yêu thiên nhiên, gắn bó và sự cố kết cộng đồng….tất cả được kế thừa và sinh ra trên vùng đất mới và được lưu truyền từ bao đời nay, tạo nên vốn văn hóa đặc thù của vùng đất Bến Lức, được thể hiện cụ thể trên một số nội dung mang tính khái quát sau:
I/ VĂN HÓA DÂN GIAN:
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã khẳng định Bến Lức là một trong những vùng đất có trữ lượng khá lớn về ca dao, truyện kể và dân ca.
1/ Ca dao
Ca dao phản ánh đậm nét, đầy đủ nhất tính cách và tâm hồn con người địa phương có cùng điều kiện về tự nhiên và xã hội gồm các huyện như Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp…nó phản ánh các mối quan hệ gia đình và xã hội, khát vọng, hạnh phúc về tình yêu trai gái, quan hệ đất nước, lịch sử…của đất và người Long An nói chung và Bến Lức nói riêng.
2/ Nói vè
Ở Long An thể loại vè nơi nào cũng có, nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện Bến Lức, Mộc Hóa, Cần Giuộc. Vè có nhiều loại: vè nói về các sự kiện lịch sử, về sản vật địa phương nổi lên sự trù phú, giàu có của địa phương như vè Bách hoa, Bách thú, ghi lại những công việc thuộc về nghề nghiệp như vè đi ghe, vè đánh lưới, vè nhổ bàng, vè đi cấy… Có những việc thuộc về sinh hoạt xã hội như: vè đánh ghen, vè uống rượu, vè thịt chó, vè Con gái hư, vè Tết, vè Đám cưới, vè Chữa hoang, vè Chống say rượu…
3/ Về truyện kể
Ở Bến Lức đáng chú ý nhất có mảng truyện cười của ông Bộ Lữ sáng tác của ông có những mặt gần gũi với truyện cười của Bác Ba Phi ở Minh Hải. Về mặt cấu trúc, cốt truyện thường đơn giản, ngắn gọn, yếu tố gây cười mạnh và nhạy, tính chất thì phóng đại, ngoa vụ, thường vượt xa thực tế. Ví dụ như truyện Tháo đập có con cá trê với chiếc đầu to như chiếc ghe tam bản, có thể dùng chở qua sông hàng chục người hoặc con chó săn bị heo rừng đánh bể đầu nên tiếng sủa trở nên “ cạch … cạch” mà vẫn tiếp tục săn mồi (truyện Chó săn)….
4/ Nghệ thuật cổ truyền
Huyện Bến Lức hiện còn tồn tại 4 loại hình nghệ thuật cổ truyền đó là Nhạc lễ, nhạc Tài tử, Múa lân và Dân ca
a) Dân ca
Các làn điệu dân ca ở Long An rất phong phú gồm đủ thể loại thường thấy ở Nam bộ như lý, hò, nói vè, nói thơ, hát đưa em… trong đó Hò là thể loại diễn xướng phổ cập nhất trong các thể loại dân ca, ở Bến Lức có 2 loại hò:
- Trên đồng ruộng có hò cấy, hò cấy ở Bến Lức khác với hò cấy ở các địa danh lân cận khác, với giọng hò chính là hò Giọng đồng (thường là giọng hò Mái xay và hò Hòa hơ) và giọng hò phụ là hò Mái ố.
- Dưới sông, kênh thì có hò Chèo ghe, hò này chỉ có 1 giọng hò giống với các vùng, bởi Bến Lức có nhiều kênh sông nối liền Chợ Đệm – Bến Lức – Thủ Thừa là đường giao thông thủy chính nối liền Sài Gòn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngày đêm ghe thuyền đi lại tấp nập, tiếng hò Chèo ghe đêm đêm ngân vang trên các dòng sông, kênh.
b) Nhạc Tài tử
Là loại hình còn tồn tại khá phổ biến đều có ở các xã trong huyện, tập trung 24 nơi, loại hình này hiện nay có xu hướng thiên về cải lương nhẹ về chất bài bản và thể điệu tài tử, nên rất cần có sự định hướng, tổ chức sắp xếp lại.
c) Nhạc lễ
Toàn huyện hiện chỉ rất ít ban nhạc lễ gồm: TTBL 01, Nhật Chánh 01; Thanh Phú 01, Long Hiệp 01
d) Múa lân Phát triển mạnh trong thập niên 90, mạnh nhất ở TTBL, Phước Lợi, Lương Hòa, nhưng đến nay chỉ còn tồn tại như 1 vài đội, nhóm nhỏ ở 1 số xã, thiếu chuyên sâu về kĩ thuật, nặng về dịch vụ.
II/ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN
1/ Tín ngưỡng dân gian
Qua nghiên cứu hoạt động tín ngưỡng dân gian trên địa bàn huyện, nhận thấy rằng tín ngưỡng dân gian của đồng bào Bến Lức được thể hiện và phổ biến dưới 2 dạng đó là:
a/ Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên :
Được nhân dân thờ trong các đình, miếu và tại gia đình đó là các nhiên thần như Bà Ngũ Hành ( Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ) hay gọi là thần không gian như tục thờ Thần Nông, Sơn thần, Hổ thần, tục thờ Tam phủ là mẹ (bà) trời, mẹ đất và mẹ thủy, tục thờ thổ công, tục thờ Ông Địa….
b/ Tín ngưỡng sùng bái con người
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:
Là nét tín ngưỡng rất phổ biến của nhân dân Việt Nam ta, gần như là 1 tôn giáo (nhiều nơi còn gọi là đạo Ông Bà hay đạo thờ Tổ 3 cấp hay 4 cấp, có thể nói đây là đạo gốc trong hệ thống tôn giáo tín ngưỡng của người Việt) đây là tục thờ cúng những người đã khuất, đặc biệt là tổ tiên, đa phần không có gia đình nào mà không thờ tổ tiên trong nhà. Nhân dân ta rất coi trọng việc cúng giỗ với ý nghĩa tưởng nhớ về các đấng sinh thành, giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn cho con cháu và đời đời phải tuân theo.
- Tín ngưỡng thờ Thổ công
Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, các gia đình Việt Nam nói chung và Bến Lức nói riêng còn có tục thờ Thổ công (địa thần một dạng của Mẹ Đất) là vị thần trông coi gia cư, đây là vị thần rất quan trọng định đoạt phúc, họa cho một gia đình, Thổ công là hình tượng bộ ba, truyện thường kể với sự tích Táo Quân…
- Tín ngưỡng thờ thần:
Ngoài các vị thần tại gia còn có các thần linh chung của cộng đồng xã, ấp và vị thần quan trọng nhất đó là thần làng (Thành Hoàng). Thành Hoàng trong một làng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho dân làng, đó là những người có công với nước với dân, với làng và được dân làng sùng bái. Hệ thần được thờ trong các đình hiện nay thường dùng 2 chữ Thành Hoàng để chỉ chung, còn trong văn bản thường dùng các từ như Đương Cảnh Thành Hoàng, Bản Cảnh Thành Hoàng, Bổn Cảnh Thành Hoàng. Thần Thành Hoàng ở Bến Lức có chung một đặc điểm là không có thần phả và thần tích. Hiện nay ở 1 số nơi như Thạnh Lợi, Long Hiệp, Thạnh Đức, Phước Lợi… nhân dân đã xây bia liệt sĩ trong khuôn viên đình, hoặc khắc bia trong đình để hương khói thờ cúng. Sự thờ phụng Thành Hoàng tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn ấp, Thành Hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục tập quán, đạo đức và pháp luật cùng với hy vọng của cả làng, đồng thời là 1 thứ quyền uy siêu nhiên, một mối liên lạc vô hình, khiến làng xóm trở thành một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ. Dân làng đối với Thành Hoàng kính cẩn như con cháu đối với tổ tiên vậy.
Bên cạnh việc thờ Thành Hoàng tại đình và Thổ công tại gia, nhiều hộ gia đình trong huyện còn thờ Quan Thánh Đế Quân ( được các tôn giáo như Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo xem như vị thần ). Tại các cộng đồng dân cư ở ấp 1, ấp 8 xã Nhựt Chánh và Thị trấn Bến Lức, có lập Đền thờ Quan Thánh Đế Quân qui mô khá lớn ( mà dân gian quen gọi là chùa Ông ).
- Tín ngưỡng thờ mẫu:
Đây là kết quả của quá trình giao lưu, hổn dung văn hóa của nhiều lớp cư dân giữa những lưu dân người Việt, Khmer, Chăm, Hoa trong quá trình Nam tiến, nó xuất phát từ cái nôi của nền văn minh Đại Việt gặp gỡ và giao thoa, hòa nhập cùng tín ngưỡng thờ Nữ thần Mẹ xứ sở của người Chăm, Khmer tất cả đồng điệu trong tâm thức cùng biểu tượng về Đức mẹ nhân từ. Các Mẫu thần được thờ ở Bến Lức gồm: Bà Ngũ Hành ( Việt ), Thiên Y Thánh mẫu ( Chăm), Bà Cố Hỷ ( động vật Chồn ), Bà Chúa Xứ ( Khmer).
2/ Phong tục tập quán
Lễ hội của đồng bào Long An nói chung và Bến Lức nói riêng có những nét chung trong lễ thức truyền thống và nét riêng theo tín ngưỡng vùng miền, có thể chia làm 2 loại cụ thể như sau:
a/ Những lễ thức mang tính tập tục cổ truyền của dân tộc như:
- Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của dân tộc, lễ tết lớn nhất trong năm và được nhân dân rất chú trọng;
- Lễ Rằm tháng giêng hay là tết Nguyên Tiêu còn là ngày vía đức Phật Adiđà (lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng). Ở Bến Lức lễ Rằm tháng giêng được đông đảo bà con hưởng ứng bằng cách trẩy hội nô nức đến cúng phật tại chùa để cầu phúc lành cho gia đình, dòng họ, đất nước và bản thân.
- Lễ Tảo mộ
Phong tục này ở Bến Lức nói riêng và Long An ta nói chung thường tổ chức vào ngày 25 tháng Chạp nhằm sửa sang mộ phần tổ tiên cho khang trang, sạch đẹp để đón tết cùng con cháu, và cũng ngày này hàng năm lãnh đạo và nhân dân huyện Bến Lức đã sửa sang mộ phần các anh hùng liệt sĩ và long trọng tổ chức lễ viếng kéo dài cả trong 1 ngày để thân nhân liệt sĩ các nơi về dâng hương, tưởng niệm tri ân tại nghĩa trang huyện.
- Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch)
Đây ngày tết mà dân ta kỷ niệm thời điểm giữa năm, trong ngày này mọi nhà đều sắm sửa lễ cúng ông bà, tổ tiên …, đây là dịp có những thứ hoa quả, hạt đầu mùa mà con cháu dâng cúng tổ tiên, đây cũng là những sản phẩm để đi biếu nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai, đi tết thầy học và là dịp để tỏ lòng biết ơn, đáp nghĩa.
- Tết Trung Nguyên (Rằm tháng 7)
Với đạo Phật đây là ngày lễ Vu Lan, ngày báo hiếu cha mẹ. Trong ngày này những người con trong gia đình dành cho các bậc sinh thành những món quà ý nghĩa nhất để tỏ lòng hiếu thảo, đây là một tập tục tốt đẹp của dân tộc có xu hướng phát triển rộng ở Bến Lức ta trong những năm gần đây .
- Tết Trung Thu (Rằm tháng 8)
Còn gọi là Tết trẻ con, đây là dịp để thể hiện lòng thương yêu con trẻ 1 cách cụ thể và cũng là dịp để dâng cúng tổ tiên, kính biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, ân nhân…Hàng năm cứ đến ngày này lãnh đạo các cấp từ huyện đến xã rất quan tâm và đều tổ chức cho các cháu vui chơi, nhất là các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều có quà và được tổ chức vui chơi tại cộng đồng. Lãnh đạo huyện cũng đã phân công Cán bộ, lãnh đạo các ngành, đoàn thể đến dự cùng các em ở từng cơ sở trong huyện.
- Phong tục lễ Kỵ nhật, Hỷ, Sóc, Vọng
+ Ngày Sóc, Vọng hàng tháng
Ngày Sóc (mùng một) Ngày Vọng (ngày rằm) hàng tháng các gia đình thường quét dọn bàn thờ, sắm hương hoa quả dâng tổ tiên và gia thần. Đây là ngày tưởng nhớ ông bà, tổ tiên là những ngày chay tịnh để sửa mình, những hành động bất thiện, những nghề nghiệp thấp kém đều hạn chế hoạt động trong những ngày này.
+ Ngày Kỵ nhật gia tiên
Tức là ngày giỗ người thân trong gia đình, lễ thức này có ý nghĩa là đạo làm con, cháu phải biết phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và phụng thờ khi đã mất để tưởng nhớ về cội nguồn, lễ thức này đời đời phải tuân thủ, tự giác thực hiện.
+ Lễ động thổ và khánh thành nhà ở hoặc cửa hiệu, phân xưởng …
Đây là lễ thức khá phổ biến vì dân gian cho rằng “ Đất có thổ công, sông có hà bá” do vậy khi thiết kế 1 công trình hay khánh thành cơ sở làm ăn, nhà ở…đều có lễ kêu cầu để công việc được trôi chảy.
+ Lễ cưới gã
Con người là thành viên của gia đình, mỗi gia đình đều có gốc gát, tổ tiên cội nguồn, vì vậy mỗi gia đình khi có con đến tuổi dựng vợ gả chồng thì phải thông qua dòng họ, làm lễ kính cáo gia tiên, gia thần cho sự tác thành được viên mãn.
b/ Các lễ hội truyền thống:
Bến Lức chỉ còn phổ biến 4 lễ hội đó là cúng Đình, Miếu, Đền và Việc lề với số lượng hiện có là 51 lễ hội dân gian truyền thống diễn ra ở 41 điểm, các lễ hội truyền thống ở Bến Lức có chung đặc điểm là không có lễ hội nào đủ điều kiện xếp loại * ( là những lễ hội phải hội đủ các thành tố như: tục hèm hoặc có diễn xướng mô tả lại thần tích; có đình, đền hoặc miếu thờ; có sắc phong; có thần phả; có rước, có tế; có nhạc Bát âm; có múa hát; có trò chơi dân gian; có lễ vật đặc biệt; đọc sớ bằng chữ nho), có 2 lễ hội xếp loại A ( có 6 trong 10 thành tố trên đó là lễ Kì Yên tại đình Phước Tĩnh – Long Hiệp và đình Long Phú – TT BL) còn lại được xếp loại B ( có tổ chức lễ hội nhưng không có rước ). Nhìn chung các lễ hội tuy được tổ chức trọng thể nhưng về mặt qui mô vẫn ở mức trung bình, nghi thức chưa đầy đủ nên toàn bộ lễ hội Bến Lức vẫn là hội lệ
- Lễ cúng đình
Ở Bến Lức hiện có 29 đình tọa lạc trên 11 xã, duy chỉ các xã : Bình Đức, Thạnh Hòa, Lương Hòa, Tân Hòa là hiện không có đình (đây là những xã mới tách ra sau này).Qua khảo sát thực tế ở Bến Lức thì hiện có 4 đình hiện còn lưu giữ đạo sắc phong thần của vua gồm các đình: Phước Tĩnh (Long Hiệp), Bình Nhựt, Bình Chánh (Nhựt Chánh), riêng đình Long Phú (Thị trấn Bến Lức) hiện còn lưu giữ 2 sắc thần, tất cả đều là sắc Tự Đức ngũ niên ( 1852 tháng 11 ngày 29). Các lễ thức cúng đình trước đây rất phong phú, nhưng đến nay do 1 số lễ thức không còn thích hợp với điều kiện sống mới nên dần mai một chỉ còn lại phổ biến 3 lễ cúng bắt buộc trong năm đó là:
+ Lễ Hạ Điền (tịch điền) được tổ chức vào đầu mùa mưa, vào tháng 04 âm lích,
+ Lễ Cầu Bông được tổ chức vào cuối mùa mưa vào tháng 10 âm lịch
+ Lễ Kỳ Yên hay lễ Cầu An, còn gọi là lễ vía Thành Hoàng, đây là lễ lớn nhất trong năm, lễ này được tổ chức không thống nhất thời gian, tùy mỗi nơi có ấn định riêng trong các tháng 12 đến tháng 3 âm lịch
- Lễ Giỗ Nguyễn Trung Trực:
Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày (26 và 27/8 âm lịch) tại bia Nguyễn Trung Trực thuộc Di tích Xóm Nghề, ấp 1 xã Thạnh Đức.
- Lễ cúng miếu
Miếu là nơi để thờ các thần bản địa, nhất là thờ Mẫu (thần không gian). Qua khảo sát hiện có 15 ngôi miếu qui mô tương đối lớn có 12 miếu thờ Bà, 3 miếu thờ kiến họ : miếu Bà Ngũ Hành (Thị trấn Bến Lức, Voi Lá, Ấp 5 Tân Bửu, Ấp 3, ấp 1B, 1A – An Thạnh, Ấp 3 – Thạnh Đức ), miếu Bà Cố Hỷ nằm cạnh hương lộ 10 thuộc ấp Thanh Hiệp xã Thanh Phú, miếu thờ Thiên Y Thánh Mẫu – Tấn Long, Bà Chúa Xứ ở ấp 5 An Thạnh, Ấp 4, ấp 1 – Thạnh Hòa, các lễ thức cúng ở các miếu tổ chức trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.
- Lễ cúng Đền:
Ở Bến Lức có 3 Đền mà nhân dân quen gọi là chùa Ông (thực ra cách gọi đó là sai, bởi chùa là nơi để thờ Phật). Trong năm có 2 ngày lễ vía Ông đó là : Vía sinh 13/01 âm lịch và Vía tử ngày 24/6 âm lịch (có lẽ do sự nhầm lẫn nên từ trước đến nay ở các Đền thờ Ông tại Bến Lức đều tổ chức lễ Vía tử vào ngày 13/05 âm lịch hàng năm )
- Lễ cúng Việc Lề
Đây là dạng tín ngưỡng mang đậm dấu ấn thời khai hoang mà hầu như chỉ phổ biến ở nông thôn Nam Bộ, lễ cúng này có tên khác là: cúng Vật lề, cung lề, giỗ hội, hiệp kỵ. Tùy theo kiến họ mà ngày tháng, cách cúng và vật cúng có khác nhau đôi chút nhưng chung một ý nghĩa nói lên đạo lý uống nước nhớ nguồn trọnh tình nghĩa của người dân Nam Bộ. Ở Bến Lức có 3 kiến họ tổ chức cúng Việc lề hàng năm với qui mô khá lớn, không chỉ ở trong phạm vi gia đình, dòng họ mà tổ chức ở miếu riêng, người tham dự có tính cộng đồng ( kiến họ Phạm ở Tân Bửu, họ Lê ở Thanh Phú, họ Đặng ở Thạnh Hòa )
Ý nghĩa chung của các lễ hội truyền thống đó là ước vọng mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đạo hưng long. Hướng về cội nguồn, biểu dương và cố kết sức mạnh cộng đồng, thỏa mãn và cân bằng nhu cầu đời sống tâm linh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật, là bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam
III/ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA QUẦN CHÚNG Ở BẾN LỨC TỪ 1975 ĐẾN 2012
1/ Giai đoạn 1975 – 1985
Đây là giai đoạn thời bao cấp, nhằm để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, ngoài các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước thường xuyên tổ chức phục vụ nhân dân thì huyện nhà Bến Lức cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng được 1 phong trào văn hóa – văn nghệ quần chúng rộng khắp sôi nổi tận các đơn vị xã, ấp. Các đội văn nghệ nghiệp dư được hình thành ở nhiều cơ sở, hệ thống các sân bóng đá đều có ở các xã, góp phần tạo nên 1 không khí sinh hoạt văn hóa – thể dục thể thao vui tươi lành mạnh ở nông thôn.
Đầu những năm 1980, Bộ VHTT đã có chủ trương Xây dựng Đời sống văn hóa ở cơ sở theo mô hình lấy xã, phường là đơn vị cơ sở và lấy 06 mặt hoạt động như: Thông tin cổ động; Văn nghệ quần chúng; Bảo tàng và giáo dục truyền thống; Thư viện và phòng đọc sách; Nhà văn hóa và Câu lạc bộ; Xây dựng nếp sống mới làm nội dung và lấy cơ chế tập thể hóa, nhà nước hóa và bán chuyên nghiệp của nhà nước làm phương thức xây dựng, mọi hoạt động VH được nhà nước và tập thể bao cấp. Với chủ trương trên, huyện Bến Lức đã tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa cấp huyện tương đối qui mô như : Đội thông tin lưu động (có cả đội chiếu phim lưu động và văn nghệ quần chúng ); nhà truyền thống với rất nhiều hiện vật trưng bày, nhà sách, thư viện huyện và cùng với hệ thống thư viện các trường học, các ngành với số đầu sách, phong phú, đa dạng; nhà văn hóa huyện và hệ thống sân bóng đá từ huyện đến các xã (14 sân bóng) cùng với hệ thống đài truyền thanh. Tất cả các thiết chế trên cùng với sự bao cấp của nhà nước đã phát huy tối đa vai trò chức năng của mình trong việc thường xuyên tổ chức các hoạt động để phục vụ nhân dân trong huyện nhất là các xã vùng sâu. Các CLB văn hóa- nghệ thuật trực thuộc Nhà văn hóa được thành lập đi vào hoạt động sôi nổi, lôi kéo và thúc đẩy các phong trào ở cơ sở xã, ấp phát triển với khí thế sôi nổi, riêng Nhà truyền thống với nhiều hiện vật sưu tầm và trưng bày là địa chỉ đỏ cho học sinh các trường học đến tham quan qua đó giáo dục lòng tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương Bến Lức anh hùng.
2/ Giai đoạn 1985 – 2000
Đến sau những năm 1986, do có sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các thiết chế văn hóa hoạt động theo mô hình cũ không còn phù hợp, có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất trong công tác xây dựng đời sống văn hóa của huyện.
3/ Giai đoạn 2000 – 2012
Từ năm 1998 huyện đã bắt đầu triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII . Qua 12 năm triển khai thực hiện đến nay công tác xây dựng đời sống văn hóa của huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ sau:
a/ Hoạt động sự nghiệp VH - TDTT, Bảo tàng - Bảo tồn và Thư viện.
- Tháng 12/2003, khánh thành Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện kinh phí đầu tư giai đoạn 1 trên 5 tỷ đồng với những trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng khá đầy đủ (đây là thiết chế VH đầu tiên của tỉnh được xây dựng và hoạt động theo mô hình mới của Bộ ngay thời điểm năm 2003), với chức năng tổng hợp gồm các hoạt động sự nghiệp như: Văn hóa quần chúng, Thư viện, Bảo tồn bảo tàng: TT cổ động; Vui chơi giải trí… và với điều kiện cơ sở vật chất đã được đầu tư, Trung tâm VH - TT huyện đã dần đi vào hoạt động ổn định thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng về tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong huyện, định hướng và hỗ trợ tốt các hoạt động nghiệp vụ cho phong trào văn hóa quần chúng cơ sở, có nhiều mô hình hoạt động mới tiêu biểu của tỉnh. Cùng với hệ thống hoạt động các loại hình dịch vụ văn hóa như: Internet, kinh doanh băng đĩa, Karaoke, các tụ điểm hát với nhau và hoạt động của nhiều nhóm nhạc hiện có trên địa bàn huyện, đã thật sự góp phần đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân.
- Sự nghiệp TDTT phát triển khá tốt, toàn huyện có nhiều CLB như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, dưỡng sinh, điền kinh, võ thuật, điền kinh, thể hình… thường xuyên hoạt động. Với phương thức XH hóa huyện đã kêu gọi đầu tư các CS TDTT hiện có 9 sân bóng đá mini, 3 sân bóng đá lớn, 25 sân bóng chuyền, 8 sân quần vợt, 10 sân cầu lông đạt chuẩn. Với nhiều thành tích cao liên tục trong nhiều năm nên vào năm 2006 Ngành TDTT huyện đã vinh dự đón nhận huân chương Lao động hạng III.
- Sự nghiệp Truyền thanh, sau giai đoạn giải thể hoạt động, đến năm 1996 hệ thống các Đài truyền thanh từ huyện đến các xã, Thị trấn được thành lập, lúc đầu chỉ có chức năng truyền thanh và tiếp sóng đài TW, tỉnh. Đến nay do có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ nên Đài truyền thanh huyện đã sản xuất được chương trình phát sóng phủ toàn huyện, mở rộng và phát triển thêm 120 trạm tiếp sóng các ấp, khu phố, làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin về cơ sở, trong đó 70 % được trang bị phương tiện kĩ thuật tiếp và phát sóng tự động.
- Sự nghiệp Bảo tồn - Bảo tàng: Hiện trên toàn huyện có 05 di tích lịch sử được công nhận trong đó :
+ Di tích cấp quốc gia: Di tích Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn
+ Di tích cấp tỉnh: Di tích Đình Mương Trám; di tích Rừng tràm Bà vụ; di tích Tượng đài Bến Lức; Di tích Nhà họp Long Hiệp và di tích Bia Nguyễn Trung Trực.
Ngoài các di tích văn hóa - lịch sử trên, huyện còn có 18 bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ ở các xã.
- Sự nghiệp Thư viện: Thư viện huyện có trên 6000 quyển sách, để có nhiều lượt sách đến với bạn đọc, ngoài việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, thư viện huyện còn tổ chức thực hiện công tác luân chuyển sách đến các ấp, khu phố văn hóa để phục vụ bà con, cùng với hệ thống thư viện các trường học, các tủ sách pháp luật các xã – thị trấn, hệ thống các nhà sách, đại lý sách báo, các dịch vụ cho thuê sách truyện và hệ thống Bưu điện văn hóa xã (13/15 xã có bưu điện văn hóa) cũng đã góp phần đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của đại bộ phận quần chúng nhân dân trong huyện.
b/ Hoạt động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Đến thời điểm tháng 12/2012, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của huyện đạt được những kết quả cụ thể sau:
- Phong trào Xây dựng Gia đình văn hóa đã có 33.509/34.592 hộ đạt 3 chuẩn gia đình văn hóa chiếm tỷ lệ 96, 96%.
- Phong trào Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, có 41/41 cơ quan, trường trạm đăng kí và 100% đạt chuẩn văn hóa, riêng khối doanh nghiệp có 81/104 đăng kí và đạt 100%.
- Phong trào Xây dựng ấp (khu phố) văn hóa hiện có 85/101 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa chiếm 84,2%.
- Phong trào xây dựng xã văn hóa, hiện có 2 xã Mỹ Yên, Phước Lợi đạt chuẩn văn hóa và 2 xã Nhựt Chánh, Thanh Phú tổ chức lễ phát động xây dựng xã văn hóa giai đoạn 2011- 2015.
c/ Thành tích đạt được:
- Năm 2000- 2005 : Tập thể LĐTT, giấy khen của huyện và tỉnh
- Năm 2006 Nhận Huân chương LĐ hạng III trên lĩnh vực sự nghiệp TDTT và bằng khen của UBND tỉnh
- Năm 2007 : Nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Long An
- Năm 2008 – 2011: Nhận bằng khen của UBND tỉnh.
- Năm 2012: Được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL tặng bằng khen
IV/ TÔN GIÁO
Ở Bến Lức có 6 tôn giáo du nhập vào rất lâu đời và có một quá trình phát triển đáng chú ý đó là : đạo Phật, Tịnh độ cư sĩ, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Tin Lành và đạo Hồi với số lượng tín đồ hiện có là 21.530 người, 148 chức sắc, 250 chức việc và 11 nhà tu hành. Các tôn giáo đều có xu hướng đồng hành cùng dân tộc, với chế độ mới vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
1/ Đạo Phật
Là 1 trong 6 tôn giáo có nhiều tín đồ và rộng khắp các xã – thị trấn, Phật giáo theo chân những lưu dân vào định cư tại Bến Lức, nhưng phải đến đầu thế kỉ XX thì mới phát triển mạnh. Phật giáo Bến Lức đa phần là phái Bắc Tông (Đại Thừa), ngoài ra còn nhiều hệ tông phái khác như Tịnh Độ Cư Sĩ, Phật Giáo Khất Sĩ, Thiên Thai Tông và Lâm Tế Tông. Tín đồ Phật giáo hiện có 8539 người . Cơ sở thờ tự là 30
Phương châm hành đạo của Phật giáo là : “ Đạo pháp – Dân tộc – CNXH ”
2/ Đạo Thiên Chúa
Đạo Thiên Chúa du nhập vào Bến Lức vào khoảng đầu thế kỉ XIX theo 2 hướng:
- Hướng thứ nhất từ Gia Định - Sài Gòn xuống, vào năm 1884 linh mục Đoàn Công Triệu từ chủng viện Thánh Giuse ở Sài Gòn được cử đến làm cha xứ họ đạo Nha Ràm (1 họ đạo có sớm nhất ở Long An - xã Long Trạch, huyện Cần Đước) từ đây linh mục Triệu đi truyền đạo khắp nơi xung quanh và lập nên nhà thờ Gò Đen (xã Phước Lợi ngày nay).
- Hướng thứ hai từ Họ đạo Ba Giồng (xã Tân Lý Tây – huyện Châu Thành tỉnh Mỹ Tho) lên, năm 1881 linh mục Hồ Biểu Đoan xây dựng nhà thờ Lương Hòa, tiếp 2 năm sau ông lập thêm họ đạo Thủ Đoàn.
Từ đó đạo Thiên chúa phát triển đến nay có 9120 tín đồ và 06 cơ sở thờ tự tập trung các xã: Lương Bình, Lương Hòa, Bình Đức, Thị trấn Bến Lức, Phước Lợi.
Phương châm hành đạo là “ Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” .
3/ Đạo Cao Đài
Đạo Cao Đài được du nhập và mở đạo vào năm 1925 tại quận Cần Giuộc, 1 số thánh thất được dựng lên ở Tân Kim, Mỹ Lộc (Cần Giuộc), Tân Chánh (Cần Đước), Quý Tây (Bình Chánh), Bình Quới (Châu Thành) và từ đây bắt đầu phát triển mạnh ở các vùng lân cận trong đó có Bến Lức.
Đạo Cao Đài Bến Lức hiện có 4 phái đó là: Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Ban Chỉnh Đạo và Cao Đài Chưa Hoàn Nguyên, đến nay số tín đồ Cao Đài hiện có của huyện là 3365 , có 8 cơ sở thờ tự tập trung các xã : Thị trấn Bến Lức (02), Phước Lợi, Mỹ Yên, Nhựt Chánh ( 2 ), An Thạnh, Long Hiệp.
Phương châm hành đạo là “Nước vinh, đạo sáng”.
4/ Đạo Tin Lành
Tin Lành có mặt ở Long An vào năm 1912, đến năm 1944 nhà thờ Gò Đen (Phước Lợi) được xây dựng và đi vào hoạt động cho đến nay, hiện tín đồ là 450 có 01 cơ sở thờ tự
Phương châm hành đạo là: “Phụng sự Thiên Chúa, Phụng sự Tổ quốc”
5/ Đạo Hồi
Được du nhập vào Bến Lức vào khoảng những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, do Ông Nguyễn Minh Chí (Môhamet Salé) người gốc ở chợ Đệm đã gia nhập Đạo Hồi lấy vợ quê ở ấp 2 xã Tân Bửu, về định cư và bắt đầu truyền đạo, chủ yếu là trong dòng họ thân tộc. Hiện Đạo Hồi tại Tân Bửu có 71 tín đồ. Đặc điểm của cộng đồng Hồi giáo ở đây là cùng cộng cư trong phạm vi hẹp trên bờ sông Bến Lức thuộc ấp 2 xã Tân Bửu, xung quanh tiểu thánh đường Jamia.
6/ Tịnh Độ Cư Sĩ:
Tịnh Độ Cư sĩ có mặt ở Bến Lức vào trước năm 1975, đến năm 2007 được tách ra từ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và hoạt động với tư cách là một tôn giáo độc lập, hiện có 01 Tịnh xá Hưng Phú Tự ( TTBL) với số lượng tín đồ là 580 người.
V / GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO:
1/ Giai đoạn 1975 – 1985
Trước 1975 nạn thất học ở Bến Lức khá trầm trọng, nhưng chỉ trong 1 vài năm sau giải phóng, hệ thống trường lớp đã được nhanh chóng xây dựng đến với các xã, ấp kể cả các xã vùng sâu, vùng xa. Xã nào cũng có trường PTCS ( gồm cấp 1 và 2), hệ thống trường Bổ túc văn hóa hình thành và phát triển khắp từ huyện đến xã, tuy cơ sở vật chất còn ọp ẹp, tre lá tạm bợ nhưng kịp thời đáp ứng được nhu cầu nâng cao dân trí của nhân dân và cán bộ của huyện, xã sau chiến tranh.
Một thành tích nổi bật trong giai đoạn này là tuy trong điều kiện khó khăn nhưng Bến Lức là một trong những huyện hoàn thành sớm nhất việc xóa nạn mù chữ trong nhân dân.
2/ Giai đoạn 1985 – 2000
Huyện đã tập trung sắp xếp, hệ thống lại các ngành bậc học, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất với mục tiêu từng bước kiên cố hóa hệ thống trường lớp, tập trung công tác chuẩn hóa đội ngũ. Qua 5 năm bộ mặt giáo dục của huyện đã có sự thay đổi rõ nét, toàn huyện có trên 70% trường lớp bán kiên cố trở lên, 15 trường Mẫu giáo, 23 trường tiểu học và 10 trường cấp 2, 03 trường cấp 3 (1 công lập và 02 bán công), 01 trường Bổ túc văn hóa huyện, 01 Trung tâm Giáo dục kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề và thí nghiệm thực hành; 01 Trung tâm giới thiệu việc làm, 01 trường Công nhân kĩ thuật.
Thành tích nổi bật trong giai đoạn này là Bến Lức đã hoàn thành công tác Phổ cập giáo dục Tiểu học – Chống mù chữ vào năm 1993, và có 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
3/ Giai đoạn 2000 – 2012
Đây là giai đoạn huyện tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện phổ cập giáo dục đúng độ tuổi tiểu học, THCS, Nầm non và THPT với giải pháp như: Thực hiện chủ trương kiên cố hoá trường lớp các ngành, bậc học, chuẩn hóa đội ngũ, đầu tư trang thiết bị kĩ thuật dạy là học, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tiếp tục triển khai cuộc vận động” Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với đặc thù của ngành là thực hiện cuộc vận động “ Mỗi thầy cô giáo là 1 tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, và cuộc vận động 2 không và đẩy mạnh phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
a) Số Lượng trường lớp
- Mầm non: 15 trong đó đạt chuẩn mức độ 1 là 06 gồm: MG Hoa Sen , Họa Mi – TTBL, MG An Thạnh, MG Thạnh Lợi, MG Thạnh Hòa, Lương Bình
- Tiểu học: 25 trong đó đạt chuẩn mức độ 1 là 9 gồm: Thuận Đạo ( TTBL ), An Thạnh, Thạnh Đức, Nguyễn Trung Trực ( Thạnh Đức), Long Hiệp, Gò Đen, Mỹ Yên, Tân Bửu, Nguyễn Văn Siêu ( TTBL), 01 trường đạt chuẩn mức độ 2: Mai Thị Non
- THCS : 13 trường trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức độ 1: Gò Đen; Nguyễn Trung Trực và Trần Thế Sinh.
b) Thực trạng CSVC:
- Mầm non tỷ lệ kiên cố 1,4 %, bán kiên cố 93,3% và tạm thời 4,7%
- Tiểu học tỷ lệ kiên cố 58,35%, bán kiên cố 40,62%, tạm thời 1,03%
- THCS tỷ lệ kiên cố 64,91% bán kiên cố 35,09%
c) Thực trạng đội ngũ
- Tổng số đội ngũ là 1328, trong đó đại học 629, cao đẳng 433
- Tỷ lệ đạt chuẩn: Mầm non 100%, TH 99,62% và THCS 99,52%
d) Thành tích đạt được:
- Năm 2005 hoàn thành Phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi
- Năm 2006 hoàn thành Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở
- 08 trường đạt chuẩn quốc gia trong đó Mẫu giáo 02 và Tiểu học 06
- Năm học 2000 - 2001 nhận cờ thi đua xuất sắc
- Năm học 2003 - 2004 nhận cờ thi đua xuất sắc
- Năm học 2006 - 2007 nhận cờ thi đua xuất sắc
- Năm học 2007 - 2008 vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III
- Năm học 2010 – 2011 Cờ thi đua của tỉnh
- Năm học 2011 – 2012 Tập thể LĐSX
VI/ CON NGƯỜI VÀ CÁC SỰ KIỆN
1/ Các nhân vật lịch sử của huyện Bến Lức
a) Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868)
Ông Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838 tại thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình nhiều đời sinh sống bằng nghề chài lưới.
Năm 1861,ông tham gia lực lượng nghĩa quân chống Pháp. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những chiến công như: tổ chức tấn công đốt tàu Esperance tiêu diệt toán lính Pháp trên Vàm sông Nhựt Tảo; đánh chiếm đồn Rạch Giá, ... khi bị địch bắt ông không chịu khuất phục, giặc Pháp đành hành quyết ông tại Rạch Giá, trước khi chết Ông đã khẳng khái tuyên bố như 1 chân lý:
“Bao giờ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”.
Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đề tặng chiến công oanh liệt của ông như sau:
“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần…”.
b) Võ Công Tồn ( 1891 – 1942 )
Là nhân sĩ yêu nước, thường gọi là Hội đồng Tồn. Chính tên Võ Văn Tồn, về sau ông đổi chữ lót là Công, ngụ ý quyết giữ niềm son sắt lo việc chung, công bình chánh trực, quê xã Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, Chợ Lớn nay thuộc tỉnh Long An. Ông có tấm lòng hào hiệp nhất là với người nghèo, thường đem tài sản hỗ trợ cho những người yêu nước hoạt động, ủng hộ tài chính giúp Đảng Cộng Sản ra báo công khai thời kỳ 1936 – 1939, Ông được Đảng xem là ân nhân và đồng bào kính trọng. Lò Gạch và nhà ở (lẫm lúa)của ông là nơi mà chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn An Ninh đến ở, dạy học, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng cộng sản và giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân lao động nhất là công nhân Lò gạch. Năm Canh Thìn 1940 ông bị bắt giam và đày đi Côn Đảo, năm Nhâm Ngọ 1942, ông mất trên đảo, hưởng dương 50 tuổi.
c) Nguyễn Văn Tạo
Nguyễn Văn Tạo sinh ngày 20/5/1908 tại làng Phước Lợi, tổng Long Hưng Hạ, huyện Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Từ giữa năm 1926, ông tham gia nhiều hoạt động yêu nước. Sau đó ông sang Pháp theo học tại trường Trung học Lycée Mignet và hoạt động cách mạng. Cuối năm 1926 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp, đến cuối năm 1927 ông được cử vào làm việc tại Văn Phòng TW Đảng Cộng sản Pháp đến năm 1930 do hoạt động cách mạng tích cực nên Ông bị chính quyền Pháp trục xuất về nước.
Về nước, Ông tiếp tục hoạt động và bị giặc bắt. Đầu năm 1937 sau khi ra tù ông tiếp tục hoạt động cách mạng tại Sài Gòn, và tham gia lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám tại các tỉnh Nam Kỳ và Sài Gòn. Ông là Đại biểu Quốc Hội đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và được giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động đầu tiên của nước ta, và nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ. Nguyễn Văn Tạo qua đời ngày 16/8/1970 tại Thủ đô Hà Nội sau một cơn đột quỵ.
Năm 2002, Đảng và Nhà nước đã truy tặng cho ông Huân chương Hồ Chí Minh.
d) Nguyễn Hữu Thọ
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Năm 1921, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp cử nhân Luật, từ năm 1939, ông mở Văn phòng Luật sư tại Mỹ Tho,Vĩnh Long, Cần Thơ rồi sau đó chuyển Văn phòng đến Sài Gòn. Năm 1948, ông tham gia Mặt trận Liên Việt, ngày 16/10/1949, ông được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).Tháng 6/1950, thực dân Pháp bắt ông và đưa đi quản thúc tại Lai Châu, Sơn Tây. Tháng 11/1952 ông được trả tự do. Ngày 15/11/1954, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam và một lần nữa ông bị đưa đi quản thúc tại Hải Phòng rồi Phú Yên. Ngày 30/10/1961, ông được nhân dân và các lực lượng vũ trang Phú Yên giải thoát đưa về Trung ương Cục Miền Nam và được bầu làm Chủ tịch Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.
Từ năm 1962 đến năm 1963, ông được cử làm Chủ tịch Đoàn Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Tháng 6/1969, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Tháng 4/1976, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội thống nhất, sau đó được bầu làm Phó Chủ Tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đến tháng 4/1980 làm Quyền Chủ Tịch Nước rồi Chủ Tịch Quốc Hội. Tại Đại hội Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam lần thứ III (tháng 11/1988) ông được bầu làm Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Ông mất ngày 25/12/1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2/ Các cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Toàn huyện có 8 cá nhân được nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
a) Anh hùng Lê Văn Vịnh sinh năm 1936, quê ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đồng chí Lê Văn Vịnh vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 06 tháng 11 năm 1978, lúc này đồng chí là đảng viên, cấp bậc Thượng úy, chức vụ Huyện đội phó, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đồng chí đã được tặng thưởng :
- 01 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất.
- 02 Huân chương chiến công giải phóng hạng ba.
b) Anh hùng Nguyễn Minh Quang (tức Nguyễn Tấn Khoa) sinh năm 1930, quê ở xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ( hiện còn sống). Đồng chí Nguyễn Minh Quang vinh dự được phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 06 tháng 11 năm 1978, lúc ấy đồng chí là đảng viên, Trung tá Phó Chính ủy Trung đoàn, thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7.
Đồng chí đã được tặng thưởng :
- 01 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất.
- 01 Huân chương chiến công giải phóng hạng ba.
- Nhiều Bằng khen và Giấy khen của các cấp.
c) Anh hùng Liệt sĩ Trần Thế Sinh (tức Hai Vũ) sinh năm 1940, quê ở xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khi hy sinh, đồng chí là Chính trị viên Huyện đội Bến Lức, tỉnh Long An.
Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, đồng chí đã được tặng thưởng
- 03 Huân chương chiến công giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba.
- 02 lần đạt danh hiệu thi đua toàn tỉnh.
Liệt sĩ Trần Thế Sinh vinh dự được truy tặng danh hiệu : “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, ngày 6 tháng 11 năm 1978,
d) Anh hùng Trần Thị Sữa sinh năm 1945, quê ở xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ( hiện còn sống). Ngày 30 tháng 8 năm 1995, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, lúc đó đồng chí là đảng viên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Đồng chí Trần Thị Sữa đã được tặng thưởng: 01 Huân chương Quyết thắng hạng nhất.
e) Anh hùng Đặng Công Hậu (tức Tư Nam) sinh năm 1934, quê ở xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An 9 hiện còn sống ). Ngày 22 tháng 7 năm 1998, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, lúc đó đồng chí là đảng viên cán bộ hưu trí.
Đồng chí Đặng Công Hậu đã được Nhà nước tặng thưởng:
- 01 Huân chương Quân công hạng nhì;
- 01 Huân chương kháng chiến hạng nhất,
- 01 Huân chương Quyết thắng hạng nhất,
- 01 Huân chương chiến thắng hạng nhất và nhiều Huy chương, Bằng khen của các cấp.
f) Anh hùng Liệt sĩ Mai Thị Non sinh năm 1951, quê ở xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, chiến sĩ trinh sát Ban An ninh huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Ngày 29 tháng 01 năm 1996, Liệt sĩ Mai Thị Non vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương truy tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
g) Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Minh Trung (tức Nguyễn Văn Chư) sinh năm 1934, quê quán xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khi hy sinh đồng chí là chiến sĩ trinh sát, thuộc đơn vị Đội 4 Công an xung phong, Ty Công an tỉnh Chợ Lớn cũ, nay là tỉnh Long An.
Ngày 29 tháng 7 năm 1996, Liệt sĩ Nguyễn Minh Trung vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương truy tặng danh hiệu : “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
h) Anh hùng Phạm Văn Ngũ sinh năm 1954, quê ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khi hy sinh đồng chí là chiến sĩ trinh sát mật, thuộc đơn vị Huyện đội Bến Lức, tỉnh Long An.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 28 tháng 4 năm 2000, Liệt sĩ Phạm Văn Ngũ vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương truy tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
3/ Toàn huyện Bến Lức có:
- 182 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện còn sống 14 mẹ
- 2.724 liệt sĩ
- 2.620 hộ gia đình có công với nước
4/ Thành tích của huyện và các xã, Thị trấn trong công cuộc kháng chiến và thời kì Xây dựng, bảo vệ tổ quốc của Huyện Bến Lức.
a/ Thành tích của huyện
- ND và cán bộ huyện Bến Lức được nhà nước tặng huân chương lao động hạng III về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp Giáo dục góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc ( QĐ:44 – LCT ngày 20/3/1979)
- ND và CB huyện Bến Lức được nhà nước tặng huân chương Lao động hạng III về thành tích đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và làm nghĩa vụ lương thực năm 1979
- Được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng cờ Huyện Đảng bộ trong sạch vững mạnh năm 1980 – 1981.
- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bến Lức được nhà nước thưởng Huân chương Chiến công hạng I, ngày 27/11/1990
- Nhân dân và cán bộ huyện Bến Lức được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng II về thành tích xuất sắc trong cải tạo phát triển KT - XH vùng đồng bằng sông Cửu Long từ năm 75 – 95 ( QĐ số 1095 - KT- CT ngày 12/12/1996)
- Nhân dân và cán bộ huyện Bến Lức được nhà nước tặng huân chương Lao động hạng III về thành tích xuất sắc phát triển KT - XH từ 94 - 98 ( QĐ số: 260 - KT - CT ngày 05/8/99 )
- Hội đồng nhân dân huyện Bến Lức được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III, nhiệm kỳ 1996 – 2000 ( QĐ số 13 – KT-CT ngày 20/1/2000)
- Huân chương LĐ hạng I về thành tích xuất sắc thực hiện nghĩa vụ của địa phương 99- 2003 ( QĐ 621 – QĐ – CTN – ngày 8/9/2004 )
b/ Các đơn vị được nhà nước tuyên dương Anh hùng
TT
|
Đơn vị
|
Số QĐ
|
Ngày ký
|
01
|
A/ Anh hùng lực lượng vũ trang
Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bến Lức
|
358/KT.CTN
|
20/12/1994
|
02
|
Ban An ninh và Nhân dân huyện Bến Lức
|
758/KT.CTN
|
29/01/1996
|
03
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã An thạnh
|
|
Năm 1977
|
04
|
Nhân dân vàLựclượng vũ trang nhân dânXã Tân Bửu
|
358/KT.CTN
|
20/12/1994
|
05
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Mỹ Yên
|
358/KT.CTN
|
20/12/1994
|
06
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Bình Đức
|
758/KT.CTN
|
29/01/1996
|
07
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Thạnh Lợi
|
424/KT.CTN
|
22/8/1998
|
08
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Thanh Phú
|
424/KT.CTN
|
22/8/1998
|
09
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Nhựt Chánh
|
203/KT.CTN
|
11/6/1999
|
10
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Long Hiệp
|
634/KT.CTN
|
24/6/2005
|
11
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Phước Lợi
|
634/KT.CTN
|
24/6/2005
|
12
|
Nhân dân vàLực lượng vũ trang nhân dânXã Lương Hòa
|
634/KT.CTN
|
24/6/2005
|
13
|
Nhân dân và LLVT nhân dân TTBL
|
738/QĐ.CTN
|
28/5/2010
|
|
B/ Anh hùng lao động trong thời kì đổi mới
|
|
|
01
|
Trường TH Mai Thị Non
|
1008-QĐ-CTN
|
7/9/2005
|
02
|
ND và CB huyện Bến Lức
|
1538/QĐ-CTN
|
11/9/2010
|