Gia đình anh Trương Trọng Chí (sinh năm 1973) ngụ ấp 1 xã Thạnh Hòa có 02 công đất trồng chanh không hạt. Ban đầu lập nghiệp, vợ chồng anh chị gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất nên năng suất cây chanh đạt thấp, thu nhập không ổn định; anh chị phải đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống và nuôi 04 người con ăn học. Năm 2020 gia đình anh Chí được địa phương tạo điều kiện, xét cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NH CSXH huyện. Với số tiền này, anh Chí đầu tư mua máy móc, cải tạo lại vườn chanh, bên cạnh đó anh còn được Hội Nông dân xã giới thiệu tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật và trồng chanh ứng dụng công nghệ cao do tỉnh, huyện tổ chức. Sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn chanh cho trái tốt mang lại thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 60 triệu đồng, đưa gia đình anh Chí từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo tại địa phương.
Anh Trương Trọng Chí chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay NH CSXH huyện; sự hướng dẫn, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật của xã, huyện và sự nổ lực vươn lên nên kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Đủ điều kiện xin thoát khỏi hộ nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, cũng nhờ nguồn vốn vay tín dụng chương trình học sinh, sinh viên từ NHCSXH mà các con của tôi đều được học hành đến nơi đến chốn.”
Sử dụng nguồn vốn vay từ NH CSXH để đầu tư, cải tạo vườn chanh, gia đình anh Trương Trọng Chí, ngụ ấp 1 xã Thạnh Hòa vươn lên thoát nghèo năm 2023
Sau khi gia đình anh Trương Trọng Chí trả hết nợ cho Ngân hàng CSXH và để có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, anh tiếp tục được vay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Bằng số tiền này, anh Chí thuê 05 công đất để cải tạo, đầu tư trồng chanh và mai vàng, hiện vườn đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn đem về nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh chị trong thời gian tới đây.
Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1 xã Thạnh Hòa cho biết, hiện tổ của bà có 60 thanh viên, dư nợ số tiền hơn 4,6 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Đa số thành viên trong tổ vay vốn để đầu tư sản xuất và kinh doanh; một số ít vay chương trình giải quyết việc làm, nước sạch, tín dụng cho học sinh-sinh viên;…. thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở ấp đã sử dụng có hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó giúp cho các hộ vươn lên ổn định cuộc sống.
Hiện, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Bến Lức đạt hơn 429 tỷ đồng, tăng gần 22 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 với 10.080 lượt khách hàng dư nợ. Đề nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả, hằng năm Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 15 xã, thị trấn. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.
Ngân hàng CSXH huyện thăm vườn chanh gia đình anh Trương Trọng Chí
Nhờ phát huy nguồn vốn có hiệu quả với các mô hình phát triển kinh tế, các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã ổn định cuộc sống và giảm nguy cơ tái nghèo, có hộ vươn lên làm giàu bằng những mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện Bến Lức giảm nghèo bền vững được 588 hộ, đạt 130,6% (Nghị quyết đề ra trong nhiệm kỳ giảm 60% hộ nghèo, tương đương 450 hộ), hiện có 4 xã không còn hộ nghèo, gồm Thanh Phú, Thạnh Đức, Mỹ Yên và Long Hiệp./.
Việt Hằng-Kim Phượng