Nếu như không có nguồn vốn tín dụng chính sách, chắc lẽ các con của bà Trần Thị Kim Hương (sinh năm 1968), ấp Chánh xã Long Hiệp sẽ không có cơ hội học tập như ngày hôm nay. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà làm nghề buôn bán nhỏ, chồng làm công nhân nên khi các con bà nhận giấy báo đỗ đại học cũng là lúc nỗi lo lắng chực chờ. Nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách HSSV đã giúp gia đình bà Hương “hóa giải” nỗi âu lo ấy.
“Các con tôi học giỏi và may mắn được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để học đại học. Hiện nay, người con đầu học năm thứ 4 Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn; người con thứ hai học năm thứ 2, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Các con tôi đã được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay mỗi năm 40 triệu đồng để trang trải chi phí học tập; nguồn vốn thực sự là “điểm tựa” để HSSV có hoàn cảnh khó khăn xây đắp tương lai, ổn định cuộc sống”, bà Hương chia sẻ.
Nhờ có vốn vay HSSV mà bà Trần Thị Kim Hương, ấp Chánh xã Long Hiệp bớt được gánh nặng về tài chính khi nuôi hai con học đại học
Tương tự, bà Trần Thị Mộng Cầm (sinh năm 1969), ngụ ấp Chánh, xã Long Hiệp đến trụ sở xã để giải ngân số tiền 40 triệu đồng mà gia đình vừa được xét cho vay để đóng tiền học phí cho con trai đang học ngành sửa chữa ô tô, năm thứ 2 Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai bà đang mong tiền mẹ gửi lên để đóng học phí và học thêm tiếng Anh.
“Cháu học tập rất giỏi nhưng gia đình không đủ điều kiện để cháu có thể học lên cao hơn, nên đành bỏ lỡ mất năm học đầu tiên. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phụ nữ ấp có tuyên truyền về chương trình tín dụng HSSV để gia đình tiếp cận được nguồn vốn và đây là năm học thứ 2 tôi đến xã để được giải ngân. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy con ham học, học đến nơi”, bà Mộng Cầm chia sẻ.
Con trai bà Trần Thị Mộng Cầm đang mong tiền mẹ gửi lên để đóng học phí năm học thứ 2 ngành sữa chữa ô tô
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CHXH huyện Bến Lức, dư nợ chương trình HSSV hiện đạt hơn 104 tỷ đồng với hơn 1.662 khách hàng vay vốn. Đầu năm học mới, nhu cầu vay vốn HSSV tăng, đơn vị đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về tín dụng chính sách đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Để gia tăng hiệu quả chương trình, Ngân hàng CSXH đã và đang tăng cường truyền thông qua nhiều kênh, đặc biệt là qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn; thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhanh chóng, giải ngân nguồn vốn kịp thời theo đúng quy định. Đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng HSSV gồm: HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ coi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Mức vay vốn tối đa của chương trình là 4.000.000 đồng/tháng/HSSV. Lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ; hiện nay, lãi suất cho vay là 6,6%/năm. Lãi suất nợ quá hạn, bằng 130% lãi suất cho vay.
.jpg)
Từ khi chính sách đi vào cuộc sống, hàng ngàn HSSV tại huyện Bến Lức đã được “nâng đỡ” vào giảng đường Đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề, mở ra tương lai tươi sáng hơn
Mục tiêu của Ngân hàng CSXH huyện Bến Lức là đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho vay HSSV đến đúng các đối tượng được thụ hưởng và hỗ trợ các em viết tiếp ước mơ được đến trường học tập để sau này có tương lai cuộc sống được tốt đẹp hơn./.
Việt Hằng – Kim Phượng