Theo lời kể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy – Phạm Thanh Phong, để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, cấp trên đã điều Trung đoàn 16 anh hùng về tăng cường cho Bến Lức. Mặt trận giải phóng Bến Lức cũng được thành lập. Đêm 29 sáng ngày 30/4/1975 thời khắc lịch sử đã điểm. Cùng với phía tây thì ở phía nam Bến Lức, tiểu đoàn K45 từ Long Định (Cần Đước) tiến công chiếm căn cứ hải quân của Ngụy và chiếm giữ cầu Bến Lức.
Ở phía bắc, bộ đội địa phương huyện cùng du kích xã An Thạnh và biệt động thị trấn Bến Lức vượt cầu An Thạnh và sông Bến Lức đánh chiếm chi khu Bến Lức, chi cảnh sát, dinh quận trưởng và căn cứ 308 ở Tấn Long. Lúc này có chiếc trực thăng do tên thiếu tá ngụy từ Sài Gòn bay xuống quần đảo bị ta bắn hạ ở lộ 4 trước chi khu Bến Lức. Trước đó, ta cũng dùng cối 82 pháo kích vào căn cứ 308 làm tan rã đội hình tàn quân của Sư đoàn 22 ngụy.
Những ký ức hào hùng ấy lại sống dậy, vẹn nguyên, dạt dào cảm xúc rưng rưng được đồng chí Phạm Thanh Phong lưu giữ và luôn luôn truyền đạt như nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình, độc lập
Trong Hồi ký “Từ Ba Cụm vào Chiến Khu”, đồng chí Phạm Thanh Phong – nguyên Bí thư Tỉnh ủy cũng từng ghi lại: 3 đồng chí khác được Huyện ủy phân công bám trụ tại xã Phước Lợi, Long Hiệp cũng dẫn đầu lực lượng chạy về hướng Gò Đen khi quần chúng báo tin giải phóng. Chạy đến đâu thanh niên nhập vào chạy theo sau, tự lấy súng đạn của địch trang bị. Trong đó có nhiều người là lính cũng hòa cùng đội ngũ, khi đến Gò Đen có cả trăm dân quân mới thành lập chỉ có hơn 1 tiếng đồng hồ. Các đồng chí phân bổ lực lượng ra cùng với cơ sở tại chổ chiếm các trụ sở tề ngụy, các đồn bót của địch ở khu vực Gò Đen.
Ở Mỹ Yên, du kích diệt một số tên ác ôn ngoan cố còn chống cự. Bộ đội bắn hạ một máy bay trực thăng trên đường trốn chạy. Ở Tân Bửu, Thanh Hà, An Thạnh, Lương Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức du kích chiếm trụ sở tề, các đồn bót. Lính dân vệ, tề xã ấp, cảnh sát và hàng trăm tên địch thuộc tiểu đoàn 330 đóng ở Bà Vụ lũ lượt kéo ra đầu hàng. Lính Sư đoàn 22 vào quán, tiệm, nhà dân xin vải trắng, mỗi tên một miếng làm cờ trắng lũ lượt từng tốp kéo đi đầu hàng và giao nộp vũ khí, súng đạn.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy – Phạm Thanh Phong thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện lịch sử với các cán bộ, thế hệ trẻ hôm nay
Từ trưa cho đến chiều 30/4/1975 các lực lượng của huyện đã vào tiếp quản quận Bến Lức. Cờ Mặt trận giải phóng rợp trời, đồng bào nổi dậy cùng cán bộ, lực lượng vũ trang chiếm trụ sở tề ngụy, chi khu Bến Lức; các đồn bót, căn cứ quân sự của địch bị san phẳng. Chiến thắng trọn vẹn, giải phóng Bến Lức, giải phóng miền Nam. Niềm vui chiến thắng vỡ òa trong ngày đất nước giải phóng, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những nỗi niềm nhớ thương đồng đội.
Đã tròn 50 năm trên quê hương không còn khói súng, ký ức về những ngày tháng tư lịch sử vẫn luôn rực sáng trong tim đồng chí Phạm Thanh Phong – nguyên Bí thư Tỉnh ủy. Và càng vui hơn khi được chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới.
Đã tròn 50 năm trên quê hương không còn khói súng, ký ức về những ngày tháng tư lịch sử vẫn luôn rực sáng trong tim đồng chí Phạm Thanh Phong – nguyên Bí thư Tỉnh ủy
Những ngày này trên quê hương Bến Lức anh hùng, khắp nơi rực rỡ cờ hoa, chào đón lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ký ức hào hùng ấy lại sống dậy, vẹn nguyên, dạt dào cảm xúc rưng rưng được đồng chí Phạm Thanh Phong lưu giữ, truyền đạt như nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình, độc lập./.
Kim Phượng